
Trong thời gian tập huấn, những người mù được hướng dẫn phục hồi chức năng di chuyển định hướng; cách tự di chuyển bằng các thế tay ở địa bàn quen thuộc; giúp người mù tự đi lại không sử dụng gậy và có sử dụng gậy đảm bảo an toàn và thẩm mỹ; kỹ thuật di chuyển trên các lộ trình khác nhau, cách người sáng mắt dẫn người mù tham gia giao thông trên các địa hình bằng phẳng, không gian hẹp, cầu thang... đặc biệt là rèn luyện và cách sử dụng gậy định hướng...

Trong quá trình di chuyển, người khiếm thị dùng cây gậy trắng dò đường, cũng là biểu tượng, tín hiệu để người sáng mắt biết rõ họ nên nhường đường hoặc trợ giúp cho người khiếm thị khi cần thiết. Ngoài ra, khi di chuyển, người khiếm thị dùng cây gậy gõ vào những vật xung quanh, phân biệt từng âm thanh phát ra để chủ động nhận diện các điểm mốc, chướng ngại vật cần tránh để an toàn hơn khi di chuyển… Nhờ có cây gậy trắng cùng những kỹ năng được trang bị, hiện nay nhiều người khiếm thị trên địa bàn huyện Cẩm Giàng vượt qua rào cản tâm lý, tự tin bước ra ngoài, tham gia các hoạt động tập thể. Đời sống vật chất, tinh thần của người khiếm thị từng bước nâng cao, cơ hội học tập, làm việc ngày càng rộng mở.

Đây là những hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực giúp người mù hòa nhập cộng đồng, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thao tác độc lập phục vụ đi lại làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Đến thời điểm này, Hội người mù huyện Cẩm Giàng đã tổ chức tập huấn định hướng cây gậy trắng và nâng cao cho gần 230 người mù trên địa bàn.