Theo lộ trình, đến năm 2028, 100% các cơ sở y tế trên cả nước phải số hóa quy trình bệnh án, thay thế hoàn toàn bệnh án giấy, nhưng tới thời điểm này, số bệnh viện áp dụng Bệnh án điện tử; các nhà thuốc sử dụng Đơn thuốc điện tử vẫn còn khiêm tốn. Hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) và đơn thuốc điện tử có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số y tế, mang lại lợi ích cho người bệnh, cho nhân viên y tế, các bệnh viện và cả hệ thống y tế cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai đến nay vẫn chưa được như mục tiêu đề ra.
EMR giúp người bệnh giải tỏa nhiều áp lực khi không phải lưu trữ giấy tờ, hồ sơ, kết quả xét nghiệm và thấp thỏm mang đi mỗi đợt tái khám; người bệnh cũng thoát khỏi nỗi lo nếu làm mất hồ sơ hay không còn phải ám ảnh vì ‘‘chữ bác sĩ khó đọc”. Ngược lại, nhân viên y tế giảm được thời gian ghi chép thông tin bệnh nhân; khắc phục trở ngại bệnh án không liên kết nhau trong mỗi lần khám điều trị, hay giữa các khoa phòng không có sự liên thông nhau… Ứng dụng EMR giúp bác sĩ thuận lợi nếu cần tra cứu lịch sử điều trị của người bệnh và bệnh viện tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể dành cho kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy ‘‘từ 10 đến 20 năm tùy trường hợp’’ theo quy định....
Trong trường hợp bệnh viện (BV) đã triển khai Đề án 06, được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh chỉ cần dùng căn cước công dân (CCCD), VneiD thậm chí Face ID là thông tin sẽ hiển thị trên hệ thống… Nhân viên y tế do đó có thêm thời gian dành cho việc thăm khám. Bác sĩ dù ở bất kỳ đâu miễn có internet là truy cập được vào EMR để tham gia hội chẩn liên khoa liên viện.
EMR do đó giúp Bộ Y tế cập nhật được số liệu thực mà không cần chờ các BV báo cáo, có đầy đủ dữ liệu về tình hình KCB ở từng địa phương, Từ những giá trị được chứng minh trong thực tế, EMR rõ ràng đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của hệ thống y tế và là bước đột phá trong chuyển đổi số y tế.
Đơn thuốc điện tử cũng giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh mà WHO đã cảnh báo Việt Nam. Nhờ đơn thuốc điện tử, có thể truy xuất được nguồn gốc, tránh tình trạng tự kê, tránh tái bán trên đơn đã bán, do đơn thuốc có mã cơ sở và mã người kê đơn, giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Đơn thuốc điện tử giúp quản lý tốt hơn hoạt động hành nghề của người kê đơn và cơ sở KCB, đồng thời, cảnh báo cơ sở bán lẻ thuốc khi người bệnh cung cấp đơn thuốc không được bác sĩ kê đúng quy định.
Năm 2018, với việc ra đời của Thông tư 46/2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã có những bước đột phá. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, tạo hành lang pháp lý quy củ. Theo lộ trình, đến hết năm 2023: “Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ EMR” … Tuy nhiên, tính đến 1/11/2024, cả nước mới có 108 cơ sở KCB công bố áp dụng EMR.
Kết quả khảo sát của Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) vào tháng 10/2024 cũng cho thấy, mức độ triển khai EMR tại các BV còn chưa cao: 46,31% BV vẫn chỉ sử dụng bệnh án giấy, 43,51% đã kết hợp giữa bệnh án giấy và EMR, chỉ có 5,59% BV chủ yếu dùng EMR và 4,59% đã hoàn toàn chuyển sang EMR. Như vậy, tỷ lệ hoàn toàn sử dụng EMR vẫn chưa như mong muốn. Các phần mềm hỗ trợ KCB đã được áp dụng rộng rãi, 95,91% BV đã triển khai phần mềm khám bệnh, 83,43% sử dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử và 86,33% có phần mềm thanh toán viện phí. Chỉ còn 0,4% BV chưa triển khai bất kỳ phần mềm nào, cho thấy sự chênh lệch trong việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở KCB.
Triển khai đơn thuốc điện tử chậm, nên việc kê đơn thuốc bằng tay vẫn diễn ra, cũng như đa số cơ sở bán lẻ thuốc không sử dụng mã đơn thuốc khi giao dịch. Đây chính là rào cản cho mục tiêu ngăn chặn thuốc giả, ngăn chặn kháng thuốc kháng sinh mà ngành y tế luôn đề cao và nỗ lực suốt thời gian qua.