Bão số 3 đã trực tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh trong đó có huyện Cẩm Giàng với cường độ gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, gây ra mưa to và rất to trên diện rộng. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ thượng nguồn dâng cao và xả lũ các hồ chứa thủy điện làm cho nước các sông trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Cẩm Giàng nói riêng lên rất nhanh, vượt xa mực nước báo động III, duy trì nhiều ngày gây áp lực, nguy cơ mất an toàn đê điều và thủy lợi trên địa bàn huyện,… Với sự quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, toàn huyện đã tổ chức triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các công điện, công văn chỉ đạo của Tỉnh, của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các Bộ, ngành; Chủ động, tích cực, đồng bộ, quyết liệt và tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phân công, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ" gắn với xây dựng cộng đồng an toàn,… Cùng sự nỗ lực của nhân dân trong huyện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 3, mưa lũ trên địa bàn huyện cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên địa bàn toàn huyện không có thiệt hại về con người; khắc phục được sự cố về điện, sự cố viễn thông trong thời gian nhắn nhất; xử lý được 2 sự cố thẩm lậu qua thân đê, xử lý được 5 sự cố tràn bờ, sạt mái kênh Bắc Hưng Hải; di dời được 428 hộ dân với trên 1.205 người (trong tổng số 3.515 hộ với 9.888 người cần di dời) đến nơi an toàn...
Đồng chí Nguyễn Văn Công - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện báo cáo kết quả phòng chống bão số 3 và mưa lũ sau bão
Tuy nhiên, trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện vẫn còn có những hạn chế đó là: Công tác trực Ban chỉ huy trong thời gian cao điểm ở một số cơ sở có thời điểm chưa nghiêm túc; việc kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ xẩy ra vỡ, tràn chưa kịp thời, việc tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương vẫn chưa kịp thời, các công trình giao thông, thủy lợi có thời điểm chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tuyên truyền tới nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, gia cố, chằng chống nhà cửa ứng phó với gió lốc chưa thường xuyên và kịp thời.Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, chưa kịp thời, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn còn thiếu tập trung, chưa chuyên nghiệp, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn còn hạn chế vẫn để xẩy ra thiệt hại do yếu tố chủ quan. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng và công trình phòng, chống thiên tai còn yếu đặc biệt là hệ thống bờ vùng BHH bờ vùng sông Bùi; thiệt hại do thiên tai còn lớn.
Đồng chí Nguyễn Văn Công - Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì tham luận tại Hội nghị
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng chí Trần Văn Quyết – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng tham gia PCTT & TKCN. Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng xã, thị trấn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp với từng địa phương để đảm bảo an toàn trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai. Tập trung cán bộ, công chức hướng dẫn nông dân thực hiện thủ tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra theo đúng quy định. Tập trung ưu tiên khắc phục thiệt hại về nhà cửa, trường học...; khôi phục các hoạt động sản xuất để sớm ổn định đời sống nhân dân. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra; rà soát, xây dựng bổ sung Phương án ứng phó Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế và cụ thể hơn. Tổ chức rà soát, kiểm tra công trình thủy lợi, kịp thời phát hiện các điểm xung yếu, sự cố hư hỏng để có biện pháp xử lý gia cố, tu bổ các công trình thuỷ lợi đã bị hư hỏng. Đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục các sự cố. Kiểm tra, rà soát vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN trên cơ sở đó có kế hoạch sửa chữa, bổ sung theo quy định nhằm kịp thời đảm bảo đáp ứng trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban 24/24h trong mùa mưa bão; Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão, lũ để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ", báo cáo kịp thời, chính xác các số liệu thống kê về thiệt hại.
Đồng chí Trần Văn Quyết - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận
Các phòng, ban, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể theo ngành, lĩnh vực; khi có tình huống thiên tai, bão lũ chủ động được phương án ứng phó. Phòng Nông nghiệp & PTNT rà soát lại kế hoạch PCTT & TKCN của huyện; rà soát vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN từ đó xây dựng kế hoạch sửa chữa, bổ sung theo quy định nhằm kịp thời đảm bảo đáp ứng trong công tác PCTT & TKCN; Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra theo đúng quy định; Tổng hợp, đề xuất kinh phí hỗ trợ thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Xí nghiệp KTCTTL rà soát hệ thống trạm bơm, máy bơm, hệ thống thủy lợi bị ảnh hưởng do bão lũ; tổng hợp, đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).Phòng Tài chính – Kế hoạch: Tổng hợp nhu cầu kinh phí đề nghị hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra; đề xuất phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ. Trung tâm Viễn thông huyện Cẩm Giàng: Củng cố, tăng cường mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống; Phòng Kinh tế- Hạ tầng: Tổng hợp, đề xuất hỗ trợ thiệt hại đối với công trình giao thông bị hư hỏng do bão, lũ gây ra. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường công tác dự tính, dự báo và phòng, trừ sâu bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên lúa và cây rau mầu sau bão, lũ,…
Đồng chí Trần Văn Quyết - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trao khen cho các tập thể
Lãnh đạo UBND huyện trao khen cho các cá nhân