Trong 2 ngày 05, 06/3, tức ngày 14 -15/2 năm quý Mão huyện Cẩm Giàng tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Xưa và lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Đ/c Ngô Quang Giáp – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đánh trống khai hội
Dự lễ khai hội giáo sư tiến sĩ thầy thước nhân dân Trương Việt Bình – chủ tịch hội Nam y Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Nam – chủ tịch hội Đông y tỉnh Hải Dương; Ngô Quang Giáp – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Đoàn Đình Tuyến- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Công – UVBTV Huyện Ủy, phó chủ tịch thường trực UBND huyện, trưởng Ban tổ chức Lễ Hội, các đ/c lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo xã, cán bộ công chức đã và đang công tác tại xã Cẩm Vũ, đại diện Ban giám hiệu, giáo viên các trường THPT trong huyện, các ban ngành đoàn thể các thôn, cùng đông đảo nhân dân và quý khách thập phương đã về dự.
Diễn văn ca ngợi công đức đối với nền y dược dân tộc của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh
Diễn văn tại lễ hội nêu bật công lao to lớn của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh trong đóng góp cho kho tàng tri thức y dược học dân tộc.
Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, tên đầy đủ là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh khoảng năm 1330 người làng Nghĩa Lư, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, tục gọi là làng Xưa, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Lên 6 tuổi, ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhà sư chùa Hải Triều (Chùa Giám) đem về nuôi. Không cam chịu số phận, ông vừa giúp việc chùa, vừa tự học, tìm hiểu phép âm dương... Phải chứng kiến dịch bệnh, ốm đau của biết bao con người, ông đã quên ăn, quên ngủ nghiên cứu sách thuốc với mong muốn chuyển họa vi phúc, cải tử hoàn sinh, cứu lấy muôn dân. Ông đã đi khắp nơi sưu tầm các bài thuốc gia truyền, nghiên cứu các loại cây cỏ làm thuốc Nam trị bệnh cứu người. Có lẽ vì say mê nghề thuốc, làm phúc cứu đời nên thi đậu Đệ nhị giáp Tiến sỹ nhưng ông không ra làm quan mà xin về chùa để chuyên tâm Nam dược, chữa bệnh cho lương dân.
Sự nghiệp làm thuốc của ông nở rộ, lan truyền đến Bắc quốc. Vì vậy, 55 tuổi ông vẫn phải sung vào đoàn sứ bộ đi sứ nhà Minh, được vua Minh phong chức “Y tư cửu phẩm”. Sau khi chữa khỏi bệnh cho Tống Vương phi nên ông được phong chức Thái y Thiền sư và được giữ lại ở Bắc quốc, sau đó mất ở Giang Nam. Cuối thế kỷ 17, Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho người cùng làng đi sứ Trung Quốc đến viếng Tuệ Tĩnh thấy trên mộ có tấm bia đề “ Sau này có ai về Nam cho tôi về với”. Do không được phép mang hài cốt, Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho đã cho dập mẫu bia, chạm khắc và chở ý nguyện của Tuệ Tĩnh về quê. Tại quê nhà nhân dân đã xây dựng Đền Xưa để thờ ông.
Lãnh đạo huyện Cẩm Giàng và các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh
Sau phần nghi lễ, các đại biểu và nhân dân tham dự đã dâng hương tại Đền tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh; Lễ chữ dâng Thánh. Đây là nghi thức độc đáo chỉ có ở lễ hội đền Xưa và Văn miếu Mao Điền. 36 phụ nữ người làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) - nơi có Văn miếu Mao Điền rước 4 chữ Hán: Nam - Dược - Thánh - Nhân trên nền nhạc Lưu Thủy trang trọng tiến vào đền. Đây là nghi thức ngợi ca công đức và sự nghiệp y dược học dân tộc do Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh gây dựng.
Đoàn lễ xã Cẩm Điền thực hiện nghi thức dâng chữ Nam - Dược - Thánh - Nhân tại lễ hội truyền thống đền Xưa
Lễ hội truyền thống đền Xưa diễn ra trong 3 ngày. Trước đó, ngày 5.3 (14.2 âm lịch) đã diễn ra lễ mở cửa đền, lễ cáo yết.
Việt Đức