Sở Y tế vừa có văn bản gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường phòng chống ngộ độc do sử dụng thực phẩm có chứa ma túy.
Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến về sự nguy hiểm của sử dụng thực phẩm có chứa tiền chất ma túy, ma túy để cảnh báo cho người dân, đặc biệt người dân không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không có nhãn mác, thực phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, đặc biệt tuyên truyền về việc một số nơi ghi nhận bệnh nhân bị ngộ độc ma túy trong bánh ngọt, bánh quy, kẹo, bỏng ngô… Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành Công thương, Công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các chất ma túy và tiền chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai đơn vị, sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng
Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong đó tập trung kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các chất ma túy và tiền chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai đơn vị, sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Y tế yêu cầu trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm có chứa tiền chất ma túy, ma túy, chú ý kết hợp các phương thức truyền thông kỹ thuật số, đài phát thanh địa phương, báo chí tăng cường dung lượng, thông tin về an toàn thực phẩm. Trong đó chú trọng công tác truyền thông qua hệ thống phát thanh của xã, phường, thị trấn các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tuyên truyền người dân nếu sau khi sử dụng thực phẩm có các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, ý thức lơ mơ … cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương